Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Tái cơ cấu, chuyển đổi DNNN đang là mục tiêu quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong đó, CPH được xem là cơ bản, then chốt nhất. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng CPH được, đối với những đơn vị nhà nghèo nợ nần chồng chất, âm vốn thì việc tái cơ cấu thông qua mua bán nợ gần như là lối thoát duy nhất. Nhưng để việc tái cơ cấu DN qua mua bán nợ thành công hơn nữa thì cần sửa đổi một số cơ chế.

           Mua bán nợ: lột xác cho nhà nghèo

Hiện đã có rất nhiều đánh giá về quy mô nợ của các DNNN. Có những đơn vị nợ đến vài lần trên vốn chủ sở hữu, thậm chí có đơn vị nợ đến chục lần. Theo đánh giá của một số chuyên gia, quy mô nợ của các DNNN hiện nay là tương đối lớn, đặc biệt là quy mô nợ xấu. Đó là khoản nợ mà các ngân hàng, các tổ chức tín dụng đã cấp vốn cho DN nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà họ không thể trả được. Nếu không có một cơ chế để xử lý nợ xấu, khi tụ thành quy mô lớn, nó có thể sẽ nguy hại đối với nền kinh tế. Thực tế cho thấy, khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997 - 1998 và khủng hoảng toàn cầu hiện nay cũng có nguyên nhân từ các khoản nợ xấu.

Đối với hệ thống ngân hàng, theo thống kê từ một số tổ chức, quy mô nợ xấu khoảng 60 - 70 nghìn tỷ đồng. Nếu theo tiêu chuẩn quốc tế có thể còn cao hơn. Nhưng điều đáng chú ý, đa số các khoản nợ này lại nằm trong các NHTM Nhà nước và khách nợ chủ yếu vẫn là DNNN. Do đó, việc xử lý nợ xấu là rất cần thiết. Nếu không xử lý được thì bản thân tính thanh khoản của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng, nền kinh tế mất đi một khoản vốn lớn không quay vòng được, còn các DN cũng không thể CPH được. Những trường hợp DNNN chưa đủ điều kiện CPH chủ yếu do âm vốn. Hoặc có những DN tuy đã CPH xong nhưng hết vốn và lâm vào nợ nần không thể trả, bị ngân hàng ngừng quan hệ tín dụng. Việc DNNN nợ xấu ngân hàng dẫn đến các hệ lụy, đặc biệt là đối với tiến trình đổi mới DN hiện nay. Đối với các DN, nếu nợ xấu ngân hàng lớn và kéo dài, ngoài việc không được các NHTM tiếp tục cho vay, tất yếu hợp đồng bị hủy, thành công chỉ cách thất bại một tầm với về tài chính, mà không có cơ chế tháo gỡ thì ngân hàng cũng khó khăn không kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SX-KD) và chuyển đổi của chính mình. Do vậy, để khắc phục tình trạng DN nợ nần không thể CPH, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) đã ra đời. Sau gần 7 năm hoạt động, DATC đã giúp nhiều DN hồi sinh thông qua phương thức mua nợ để tái cơ cấu DN.

Hệ thống tiêu chí cơ bản khi quyết định mua bán nợ của DATC là: DN có tiềm năng phát triển và có thể phát triển có hiệu quả nếu được hỗ trợ giải quyết những khó khăn tạm thời đang gặp phải; DN và các cơ quan liên quan (như các chủ nợ khác, cơ quan chủ quản của DN) sẵn sàng hợp tác với DATC trong việc áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm xử lý khó khăn cho DN, để DN tiếp tục tồn tại, phát triển có hiệu quả hơn; những tác động tích cực đối với xã hội của việc mua và xử lý nợ (như việc góp phần thúc đẩy quá trình sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu DNNN, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lớn người lao động, ổn định chính trị, xã hội)..., từng khoản nợ.

DATC thường giúp các DNNN cơ cấu lại tài chính, bảo đảm cho DN có vốn tiếp tục hoạt động, đủ điều kiện để chuyển đổi sở hữu thông qua việc giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ và chuyển nợ thành vốn góp tại DN. Đồng thời, DATC tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư góp vốn, hỗ trợ về kỹ thuật và quản lý để giúp DN cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý và hoạt động SX - KD để DN có thể phát triển có hiệu quả sau khi được chuyển đổi sở hữu, từ đó có nguồn trả nợ. Biện pháp xử lý nợ này vừa giúp cho chủ nợ (thường là các NHTMNN) thu hồi được vốn vay, từ đó góp phần đẩy nhanh quá trình CPH Ngân hàng TMNN, vừa giúp NN hoàn thành tiến trình chuyển đổi sở hữu DNNN.

Thực tế xử lý tài chính để tái cơ cấu thúc đẩy chuyển đổi sở hữu DNNN theo mô hình DATC cũng đã cho thấy đây là phương thức tiếp cận hiệu quả đối với các DNNN không đủ điều kiện CPH, hoặc đã CPH không triệt để nhưng có tiềm năng phát triển. Từ những tiêu chí trên, có nhiều DN trên bờ vực phá sản đã thực sự hồi sinh nhờ được DATC cứu vớt và trở lại làm ăn có hiệu quả như:

Công ty cố phần Sadico Cần Thơ (trước đây là Công ty sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Cần Thơ - DNNN sau nhiều năm không CPH được do âm vốn nhà nước thuộc UBND TP.Cần Thơ) được DATC xử lý tài chính thực hiện tái cơ cấu và chuyển đổi sở hữu tháng 6/2007 với mức vốn điều lệ là 50 tỷ đồng. Ngay 6 tháng cuối năm 2007, đơn vị này đã có lãi 9 tỷ đồng, năm 2008 lãi 14,6 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2009 lãi khoảng 14 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 355 lao động địa phương.

Công ty cổ phần Procimex Việt Nam (trước đây là Công ty Chế biến thủy sản Đà Nẵng - DNNN thuộc UBND TP.Đà Nẵng) được tái cơ cấu chuyển đổi sở hữu tháng 1/2008 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Đơn vị này đã có lãi hơn 11 tỷ đồng ngay năm đầu tiên tái cơ cấu (năm 2008); 9 tháng đầu năm 2009 lãi khoảng 8 tỷ đồng, đồng thời đã thanh toán toàn bộ nợ gốc cho DATC, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động.

Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (trước đây là DNNN thuộc tỉnh Sơn La) được tái cơ cấu chuyển đổi sở hữu tháng 1/2008 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Năm 2008 đạt lợi nhuận trên 14 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 330 lao động trực tiếp và 4.000 hộ trồng mía là đồng bào dân tộc thiểu số, nộp ngân sách 9 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Mía đường Kon Tum (trước đây là DNNN thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu tháng 7/2008 với mức vốn điều lệ 30 tỷ đồng; sau 6 tháng hoạt động đến cuối năm 2008 đã có lãi 5,4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 256 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp trồng mía vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên, nộp ngân sách nhà nước 4,1 tỷ đồng.

Theo số liệu của DATC, trong năm 2009, Công ty đã tiến hành xử lý số tài sản tại 249 DN, giá trị thu hồi thực tế được 56,1 tỷ đồng (đạt 159,4% kế hoạch năm). Tổng doanh thu năm 2009 là 525,45 tỷ đồng (đạt 104,5% so với kế hoạch năm), lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 165 tỷ đồng (đạt 163,4% so với kế hoạch năm), số nộp ngân sách nhà nước là 85 tỷ đồng, đạt 170% kế hoạch năm. Trong năm 2010, Công ty đặt quyết tâm phấn đấu đạt tổng doanh thu 540 - 550 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân từ 3 - 4% so với năm 2009. Trong đó, doanh thu từ xử lý thu hồi nợ và tài sản tồn đọng phấn đấu đạt khoản 400 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 8% so với năm 2009, doanh thu từ hoạt động tài chính và doanh thu khác phấn đấu đạt 140 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước cao hơn năm trước. Trong hoạt động tổ chức, Công ty sẽ hoàn thành việc chuyển đổi hình thức DN và phấn đấu tái cơ cấu, chuyển đổi thành công từ 25 - 30 DN khách nợ.

Những kiến nghị từ thực tế

Dù đạt được được một số kết quả đáng khích lệ, song hoạt động của DATC vẫn còn bị vướng một số điểm do cơ chế quản lý. Hàng loạt phương án xử lý nợ và tái cấu trúc chuyển đổi DN được các cơ quan quản lý yêu cầu phải tạm dừng kể từ ngày 11/7/2008. Đặc biệt, một số biện pháp kỹ thuật của nghiệp vụ hỗ trợ DN mà DATC đã thực hiện bị vô hiệu hóa như cơ chế giảm trừ trách nhiệm trả nợ, cho vay hoặc bảo lãnh vay nợ đối với khách nợ. Chính vì vậy, một loạt tài sản và tình hình tài chính của DN đang được DATC can thiệp tiếp tục xuống cấp và khó khăn trầm trọng hơn, như các trường hợp của Nhà máy Gạch granite Long Hầu hay Công ty Kiveco... bởi do thiếu vốn để duy trì và phục hồi hoạt động.

Ngay cả khi Chính phủ đã có chủ trương ưu đãi về lãi suất vay vốn từ các NHTM nhằm kích cầu và hỗ trợ DN vượt khó trong sáu tháng đầu năm 2009, các DN đang gặp khó khăn do DATC xử lý tái cơ cấu cũng không tiếp cận được các nguồn tín dụng này để hồi phục lại sản xuất. Bởi do họ chưa cải thiện được tình hình tài chính theo các tiêu chí xếp hạng của hệ thống NHTM vì DATC đang tái cơ cấu và hỗ trợ dở dang. Trong khi đó, hàng ngàn tỷ đồng vốn do DATC đang sở hữu vẫn hàng ngày sinh lãi trong các NHTM nhưng lại không được giải ngân để giúp DN trong lúc khó khăn. Với vài chục DN khó khăn đang nằm chờ, chỉ cần một phần nhỏ trong số lãi phát sinh của 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ do DATC quản lý được tung ra hỗ trợ là có đủ khả năng phục hồi lại nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đảm bảo việc làm cho hàng ngàn lao động.

Nguyên nhân cơ bản do vướng mắc khi xác định giá trị DN thua lỗ, văn bản pháp quy không có hướng dẫn cụ thể về cơ chế thỏa thuận của DATC với các chủ sở hữu theo quy định tại điều 54, Nghị định 109/2007/NĐ/CP. Mặc dù Nghị định số 109/2007/NĐ/CP đã cho phép chuyển đổi sở hữu DNNN bị âm vốn thông qua hoạt động mua bán nợ, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, nên vả công ty và các Bộ, địa phương đang vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, các vấn đề đặc thù trong quá trình thực hiện tái cơ cấu DN thông qua hoạt động mua bán nợ, như miễn giảm một phần nghĩa vụ trả nợ để xử lý tồn tại tài chính, hỗ trợ tài chính thông qua việc chuyển nợ thành vốn góp, bảo lãnh vay vốn ngân hàng hoặc cho vay bổ sung để DN có vốn hoạt động chưa được quy định cụ thể cũng phù hợp với yêu cầu cơ cấu nợ của DN là một trong những khó khăn lớn trong hoạt động hiện nay của Công ty. Ngoài ra, vướng mắc trong việc xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý trong tính toán, xác định giá trị DN khi thực hiện chuyển đổi sở hữu cũng là một trong những nguyên nhân làm các phương án tái cơ cấu doanh nghiệp khách nợ của DATC chậm được phê duyệt hoặc phải trì hoãn để chờ tháo gỡ.

Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp số 7 - 2010


Thống kê: 3.773.561
Online: 25