Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Tính đến 31/12/2009, DATC đã thực hiện chuyển nợ thành vốn góp tại 26 doanh nghiệp gắn với hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp.

           Trong 26 doanh nghiệp này có 15 doanh nghiệp là DNNN trước khi thực hiện tái cơ cấu đang làm ăn thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện cổ phần hóa, 11 doanh nghiệp còn lại là DNNN đã cổ phần hóa nhưng hoạt động thua lỗ do gặp khó khăn tài chính. Sau khi DATC thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp bằng hình thức chuyển nợ thành vốn góp, chuyển đổi hoặc tiếp tục duy trì doanh nghiệp hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, tổng vốn vốn điều lệ của 26 doanh nghiệp là 785 tỷ đồng bình quân đạt 30,1 tỷ đồng một doanh nghiệp, trong đó số vốn do DATC góp là 339,4 tỷ đồng, trong đó:

+ 10 doanh nghiệp có vốn góp chi phối (trên 50%): 225 tỷ đồng

+ 10 doanh nghiệp có vốn góp từ 20% - 50%: 88.1 tỷ đồng

+ 6 doanh nghiệp có vốn góp dưới 20%: 26 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp thực phẩm, chế biến thủy sản, vật liệu xây dựng, da giày, xây dựng giao thông ... Đây là những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, giá trị đầu tư lớn và kết quả kinh doanh chịu nhiều ảnh hưởng của biến động thị trường và biến động nền kinh tế. Nên sau hoạt động chuyển nợ thành vốn góp gắn với hình thành công ty cổ phần thì hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, tính đến 31/12/2009, trong 26 doanh nghiệp có vốn góp của DATC nói trên thì có 9 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ổn định và có hiệu quả vì đã hoàn thành quá trình tái cơ cấu, 12 doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu nên kết quả kinh doanh mới bắt đầu có lãi (6 doanh nghiệp), cân bằng tài chính (4 doanh nghiệp), giảm lỗ (2 doanh nghiệp) và 5 doanh nghiệp mới chuyển đổi thành công ty cổ phần, đang trong quá trình chuẩn bị triển khai hoạt động (nên chưa có số liệu).

Báo cáo này đánh giá tình hình hoạt động năm 2009 của 21 doanh nghiệp tái cơ cấu như sau:

            1. Tổng doanh thu năm 2009 của 21 đơn vị đã hoàn thành tái cơ cấu đạt 4.076 tỷ đồng, trong đó doanh thu của các doanh nghiệp có vốn góp của DATC từ trên 50% vốn điều lệ là 991 tỷ đồng chiếm 24,32% tổng doanh thu, doanh thu của các công ty liên kết còn lại là 2.844 tỷ đồng chiếm 69,78% tổng doanh thu. Doanh nghiệp đạt doanh thu lớn nhất là Công ty CP CTGT 710 là 1.220 tỷ đồng, Công ty CP XNK Intimex Nha Trang 1.211 tỷ đồng ...

2. Lợi nhuận thực hiện: tổng lợi nhuận thực hiện của 15 doanh nghiệp có lãi là 78 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của các doanh nghiệp đã hoàn thành tái cơ cấu (9 doanh nghiệp) là 70 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này chia cổ tức năm 2009 từ 8% - 15%. Cụ thể như: Sadico Cần Thơ 15%, Procimex 15%, Đường Kontum: 13%, Mía đường Sơn La: 10%.... Nếu chia theo hình thức sở hữu thì có 8 công ty con có lãi đạt 63 tỷ đồng, 6 công ty liên kết có lợi đạt 9 tỷ đồng ...

            Trong 12 doanh nghiệp đang trong giai đoạn tiếp tục tái cơ cấu có 6 doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh có lãi là Công ty CP Dệt Hòa Khánh, Đường Thới Bình, Khai thác Đá 621... Lợi nhuận của năm 2009 của 6 doanh nghiệp này ước đạt 7,49 tỷ đồng. Nếu so với thời điểm trước khi thực hiện tái cơ cấu thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 12 doanh nghiệp này tại thời điểm 31/12/2009 đã thay đổi rõ rệt và nếu được giải quyết tốt các khó khăn như thiếu vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, biến động của giá nguyên vật liệu đầu vào, đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất ... thì toàn bộ 12 doanh nghiệp này sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn và bắt đầu SXKD ổn định và có lãi. Chính kết quả hoạt động của những doanh nghiệp này sẽ tạo nguồn trả nợ ổn định cho DATC đồng thời đảm bảo duy trì và phát triển hoạt động SXKD, đảm bảo thu nhập cho người lao động, giữ được vùng nguyên liệu, đảm bảo quyền lợi của các cổ đông khác trong doanh nghiệp.

Trong số các đơn vị đang trong quá trình tái cơ cấu có 04 đơn vị đang gặp khó khăn và hoạt động chưa hiệu quả, bao gồm: CTCP Chế biến thực phẩm XK Kiên Giang (Kiveco): lỗ 6,3 tỷ đồng; CTCP xuất nhập khẩu Intimex Nha Trang: lỗ 3 tỷ đồng (do nguyên nhân khách quan về biến động giá cafe trên thị trường thế giới); CTCP Nhôm Khánh Hòa (Khalumico): đã bắt đầu đạt điểm hòa vốn; CTCP Gạch ốp lát Việt Ý - DATC. Tuy còn gặp khá nhiều khó khăn trên, song về cơ bản tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị trên trong năm 2009 đã có tiến triển khả quan, như:

+ CTCP Chế biến thực phẩm xuất khẩu Kiên Giang (Kiveco): đã cơ bản ổn định về nhân sự quản trị, điều hành. Đã thực hiện được một số hợp đồng tiêu thụ để giữ ổn định thị trường và duy trì tình trạng sử dụng máy móc thiết bị.

+ CTCP Nhôm Khánh Hòa (Khalumico): năm 2009 đã từng bước ổn định sản xuất. Năm 2009 sản xuất đã có bước tăng trưởng đáng kể, sản lượng sản xuất và tiêu thụ đã đạt xấp xỉ 200 tấn thành phẩm/ tháng. Thị trường tiêu thụ và cung cấp nguyên vật liệu ổn định. Đã trả được cơ bản 1 số khoản nợ quá hạn và đến hạn. Dự kiến, DATC sẽ thu nợ được vốn mua nợ kể từ 2010 theo phương án thu nợ mới.

            + CTCP Gạch ốp lát Việt Ý DATC: đã cải tiến dây chuyền máy móc, nâng công suất sản xuất lên mức 1,5 triệu m2/năm. Qua 6 tháng cuối năm 2009, đã bắt đầu tiến hành sản xuất và sản phẩm đã từng bước thâm nhập vào thị trường và duy trì sản xuất ổn định.

            3. Nộp ngân sách nhà nước: đạt tổng số 33,16 tỷ đồng, trong đó nộp ngân sách của các công ty con là 17,98 tỷ đồng chiếm 53,23% tổng số phải nộp ngân sách, công ty liên kết là 15,78 tỷ đồng chiếm 46,77% tổng số phải nộp ngân sách. So với các doanh nghiệp cùng ngành nghề, cùng quy mô thì số phải nộp ngân sách của các doanh nghiệp tái cơ cấu còn thấp do chủ yếu vẫn đang tiếp tục được hưởng chính sách miễn, giảm thuế của nhà nước. Nếu so với thời điểm trước khi thực hiện tái cơ cấu thì các doanh nghiệp này đã phát triển vượt bậc, từ những doanh nghiệp nợ đọng thuế dây dưa, kéo dài đến nay đã trả hết nợ ngân sách và bắt đầu thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Các doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất là Công ty CP công trình giao thông 677 là 15 tỷ đồng, Công ty CP Mía đường Sơn La 6 tỷ đồng, Công ty CP đường Thới Bình 4,3 tỷ đồng ...

4. Lao động và tiền lương:

Các doanh nghiệp được DATC tái cơ cấu đã góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 6.273 lao động trực tiếp với thu nhập bình quân 2,6 triệu đồng/tháng và hàng chục ngàn lao động gián tiếp như hộ nông dân trồng nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, khi tại Việt nam nhiều ngành, nhiều lĩnh vực các doanh nghiệp gặp khó khăn, dừng sản xuất thì các doanh nghiệp do DATC thực hiện tái cơ cấu vẫn đảm bảo duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động như các danh nghiệp chuyên về da giày, chế biến thực phẩm, xuất khẩu thủy sản ...

Trong năm 2009, các doanh nghiệp không những duy trì việc làm mà còn mở rộng được thị trường, nâng cao thu nhập cho người lao động, như tại Công ty CP Sản xuất thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng 1.700 lao động với thu nhập bình quân 2,2 triệu đồng/tháng; Công ty CP Mía đường Sơn La 270 lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng và gián tiếp giải quyết việc làm cho 4.465 hộ sản xuất và gần 100 xe tải, tạo việc làm cho trên 16.000 lao động là đồng bào dân tộc trong vùng nguyên liệu tại các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Thành phố Sơn La; Công ty CP Mía đường Kom Tum 256 lao động trực tiếp với thu nhập bình quân 2,8 triệu đồng/tháng và 2.000 hộ nông dân trồng mía vùng Tây Nguyên; Công ty CP Sadico Cần Thơ 333 lao động với thu nhập bình quân 2,2 triệu đồng/tháng; Công ty CP Procimex Đà Nẵng 390 lao động với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/tháng; Công ty CP cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long344 lao động với thu nhập bình quân 2,16 triệu đồng/tháng ...

            5. Tình hình đầu tư ra ngoài của doanh nghiệp:

            Tính đến 31/12/2009, có 3 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp với giá trị đầu tư là 61,6 tỷ đồng, trong đó Công ty CP Sadico Cần Thơ đầu tư vào 5 doanh nghiệp với giá trị đầu tư là 55,6 tỷ đồng, Công ty CP cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long đầu tư vào 1 doanh nghiệp với giá trị đầu tư là 3,1 tỷ đồng và Công ty CP Mía đường Sơn La đầu tư vào 1 doanh nghiệp với giá trị đầu tư là 2,9 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực thuộc lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc ngành phụ trợ cho hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp, như:

+ Công ty CP Sadico Cần Thơ đầu tư vào 4 doanh nghiệp sản xuất xi măng (nắm giữ từ vốn từ 20%-50% tại 2 doanh nghiệp và dưới 10% tại 2 doanh nghiệp) và 1 doanh nghiệp sản xuất bê tông (nắm giữ vốn 10%). Trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Sadico thì có 2 doanh nghiệp đang niêm yết.

+ Công ty CP cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long đầu tư vào Công ty CP bê tông và xây dựng Thăng Long với tỷ lệ nắm giữ vốn 7,83%.

+ Công ty CP Mía đường Sơn la đầu tư vào Công ty CP thức ăn gia súc Thiên Lộc với tỷ lệ vốn nắm giữ là 10%. Việc đầu tư vào doanh nghiệp này sẽ hỗ trợ Công ty CP Mía đường Sơn La trong việc tiêu thụ sản phẩm gồm ngô, rỉ mật và tạo kênh tiêu thụ thức ăn chăn nuôi cho Công ty Thiên Lộc.

Hoạt động đầu tư ra bên ngoài của các doanh nghiệp đã phản ánh hiệu quả của hoạt động tái cơ cấu của DATC và chứng tỏ tình hình tài chính tại các doanh nghiệp này đã đủ mạnh để phát triển bền vững.

6. Tình hình thanh toán nợ cho DATC:

Tổng giá trị khoản nợ của 26 doanh nghiệp được DATC mua nợ và tiếp nhận là 2.687,3 tỷ đồng. Giá vốn mua nợ là 778,6 tỷ đồng, tổng số nợ đã thu hồi là 715,3 tỷ đồng chiếm 91,8% trên tổng giá vốn mua nợ. Như vậy về cơ bản DATC đã thu hồi đủ giá vốn mua nợ đối với tổng giá trị vốn mua nợ đã thực hiện. Số còn phải thu hồi sẽ là lợi nhuận của các phương án mua nợ.

Trên cơ sở của việc phục hồi sản xuất kinh doanh của các đơn vị đã được tái cơ cấu, và với việc DATC tham gia hoạt động quản trị tại các đơn vị (nắm cổ phần chi phối hoặc nắm cổ phần đủ quyền phủ quyết tại Đại hội cổ đông) việc thu hồi toàn bộ khoản nợ còn phải thu theo phương án thu nợ sau tái cơ cấu là khả thi.

Trên thực tế, đã có khá nhiều doanh nghiệp trả hết nợ cho DATC trong thời gian ngắn sau tái cơ cấu và DATC đã có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn mua nợ là khá cao, như:

a. CTCP Procimex Việt Nam: Giá trị mua nợ là 15,25 tỷ đồng, sau khi mua nợ, DATC đã thực hiện tái cơ cấu nợ và thu được 21,5 tỷ đồng;

+ Tổng số nợ đã thu hồi đạt 15,4 tỷ đồng;

+ Giá trị cổ tức đã nhận trong 2 năm đạt: 5.8 tỷ đồng;

Giá trị thu nợ trên chưa bao gồm giá trị phần vốn góp của DATC tại đơn vị là 16,5 tỷ đồng. Nếu thực hiện chuyển nhượng giá trị phần vốn trên với tỷ lệ tối thiểu là 1: 1,2 (tính theo giá trị sổ sách) thì tương đương số tiền ít nhất là 19,8 tỷ đồng.

Như vậy, tổng giá trị khoản nợ DATC đã thực thu và giá trị cổ phiếu tại đơn vị đạt 41,3 tỷ đồng. Lợi nhuận của phương án đạt tỷ lệ 170,8%.

b. Đối với CTCP Mía đường Sơn La: Giá trị mua nợ là 53,0 tỷ đồng, sau khi mua nợ, DATC đã thực hiện tái cơ cấu nợ và thu được 76,2 tỷ đồng;

+ Tổng số nợ đã thu hồi đạt 70,9 tỷ đồng;

+ Giá trị cổ tức đã nhận trong 2 năm đạt: 5.3 tỷ đồng;

Giá trị thu nợ trên chưa bao gồm giá trị phần vốn góp của DATC tại đơn vị là 29,34 tỷ đồng. Nếu thực hiện chuyển nhượng giá trị phần vốn trên với tỷ lệ tối thiểu là 1: 1 tương đương số tiền là 29,34 tỷ đồng.

Như vậy, tổng giá trị khoản nợ DATC đã thực thu và giá trị cổ phiếu tại đơn vị đạt 105,54 tỷ đồng. Lợi nhuận của phương án đạt tỷ lệ 99,1%.

Ngoài ra, các đơn vị được DATC tái cơ cấu khác cũng có tỷ lệ thu hồi nợ và sự hợp tác trong việc thu nợ là khá tốt.

            Những nguyên nhân, tồn tại ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tái cơ cấu, gồm:

+ Các doanh nghiệp không có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng: các đơn vị do DATC thực hiện tái cơ cấu đều là các đơn vị sản xuất kinh doanh thua lỗ và được các Ngân hàng thương mại bán nợ cho DATC. Mặc dù, các đơn vị sau khi được tái cơ cấu đều đã cải thiện được tình hình tài chính, tuy nhiên theo cơ chế tín dụng của các Ngân hàng thương mại, các đơn vị vẫn không đủ điều kiện hoặc không được Ngân hàng cho vay vốn lưu động để tiếp tục sản xuất. Mặt khác, nếu do DATC không thể thực hiện biện pháp hỗ trợ các đơn vị (cho vay 1 phần vốn, bảo lãnh cho vay..) vì chưa được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, các Ngân hàng thương mại sẽ không đủ điều kiện hoặc không sẵn sàng hợp tác cung cấp hạn mức tín dụng cho các đơn vị.

+ Năm 2009, Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ vay vốn theo chính sách kích cầu cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tuy nhiên các đơn vị do DATC thực hiện tái cơ cấu lại không thể hoặc không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn này.

+ Thiếu sự hợp tác của các đơn vị chủ quản: mặc dù đã có các cam kết tham gia góp vốn vào các đơn vị sau tái cơ cấu, song các đơn vị chủ quản (Tổng công ty, Công ty mẹ) của một số đơn vị (Khalumico) trên lại không thực hiện đúng cam kết góp vốn để cùng thực hiện tái cơ cấu đơn vị.

+ Thị trường tiêu thụ giảm sút: do đã và đang gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh, các đơn vị được DATC tái cơ cấu cần có một thời gian và một khoản chi phí nhất định để khôi phục thị trường cũ và tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

+ Thị trường đầu vào bị hạn chế: Với các đơn vị đã và đang gặp khó khăn, do các đơn vị đã từng có những tồn tại hoặc có nợ phải trả quá hạn đối với các nhà cung cấp nguyên liệu. Do vậy, sau tái cơ cấu, các nhà cung cấp vẫn có tâm lý ngần ngại khi có quan hệ mua bán hàng với các “khách nợ không tiềm năng” cũ hoặc thậm chí yêu cầu thanh toán trước khi giao hàng. Tình trạng khó khăn lại càng tăng thêm đối với các doanh nghiệp.

+ Sự phê duyệt phương án tái cơ cấu còn chậm: Do thiếu các cơ chế, chế tài thực hiện tái cơ cấu của DATC, việc phê duyệt các phương án mua nợ và tái cơ cấu của DATC còn kéo dài.

+ Các đơn vị được DATC thực hiện tái cơ cấu đa số là các đơn vị đã và đang gặp khó khăn, do vậy cần có thời gian để hồi phục năng lực tài chính, năng lực sản xuất và thu hút lao động có tay nghề cao. Như vậy, để có thể đánh giá chính xác tính hiệu quả tái cơ cấu, cần có một thời gian nhất định (ít nhất là sau 2 năm thực hiện).

Kết luận:

- Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã hoàn thành tái cơ cấu trong năm 2009 đã thể hiện được hướng đi đúng đắn trong hoạt động mua bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này đã góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, xã hội, phát triển kinh tế xã hội địa bàn, cải thiện và góp phần đảm bảo duy trì và tạo thêm việc làm cho người lao động với thu nhập cao hơn, đảm bảo được các quyền lợi của người lao động trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

- Đối với các doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện quá trình tái cơ cấu thì trong giai đoạn đầu sau chuyển đổi thành công ty cổ phần do còn nguồn vốn lưu động còn thiếu vì phần lớn tài sản của các doanh nghiệp này đang được thế chấp, cầm cố để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ nên doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng nên việc cho vay hoặc bảo lãnh vay vốn ở giai đoạn này là rất quan trọng góp phần thực hiện thành công phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có nguồn vốn để sử dụng vào việc bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất hoặc để mua sắm nguyên nhiên vật liệu và chi trả các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, việc cho vay, bảo lãnh vay vốn ngân hàng của DATC cho các doanh nghiệp không những giúp doanh nghiệp sớm phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và chính kết quả hoạt động của những doanh nghiệp này đã tạo nguồn trả nợ cho DATC, đảm bảo đời sống của người lao động của các doanh nghiệp này.

            - Trong năm 2009, DATC đã tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ phần vốn của DATC tại các doanh nghiệp này để bảo toàn và phát triển phần vốn góp của DATC thông qua việc cử 33 cán bộ làm đại diện phần vốn tại 22 doanh nghiệp, các cán bộ này đều tham gia vào HĐQT, Ban kiểm soát của doanh nghiệp. Tính đến nay DATC đã cử 22 cán bộ tham gia HĐQT trong đó có 9 cán bộ là chủ tịch HĐQT tại 14 doanh nghiệp và cử 17 cán bộ tham gia Ban kiểm soát trong đó có 11 cán bộ là trưởng ban kiểm soát. Chính sự quản lý chặt chẽ, trực tiếp tại doanh nghiệp như trên đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý vốn góp tại doanh nghiệp, đồng thời giúp DATC có thể trực tiếp thực hiện các bước tiếp theo của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp như sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp lao động, xây dựng các thể chế quản lý, tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp ... hoạt động này đã góp phần hiệu quả và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn sau quá trình tái cơ cấu.

Tin Phòng Quản lý Đầu tư - DATC


Thống kê: 3.838.525
Online: 27