Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Việc xử lý tài chính, thúc đẩy chuyển đổi sở hữu DNNN theo mô hình Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) đã cho thấy đây là phương thức tiếp cận hiệu quả đối với các DNNN cần phải tái cấu trúc. Hoạt động mua bán nợ không chỉ góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa (CPH) các DNNN mà còn giúp tái cơ cấu các DNNN không đủ điều kiện CPH nhưng có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, hành lang pháp lý này hiện còn thiếu và yếu.

           1. Cổ phần hóa DNNN là một chủ trương lớn của Chính phủ được thực hiện từ năm 1992 đến nay và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tiến độ CPH các DNNN đang diễn ra rất chậm so với kế hoạch và chất lượng hoạt động của một số DN sau CPH không được cải thiện như mong đợi. Một trong các nguyên nhân giải thích cho hiện tượng trên là do DN gặp phải những tồn tại về tài chính không xử lý được. Kinh doanh thua lỗ dẫn đến mất hết vốn nhà nước, nợ xấu ngân hàng nhiều năm không trả được, nhiều tài sản tồn đọng không xử lý được... làm không ít DNNN không CPH được do không xác định được giá trị DN hoặc nếu xác định được giá trị DN thì cũng không còn vốn nhà nước để CPH. Nhiều DN đã CPH “ép” trước đây do đánh giá tăng giá trị tài sản thì chất lượng hoạt động sau CPH cũng không được cải thiện do không xử lý được những tồn tại tài chính khi còn là DNNN. Thậm chí, nhiều DN không thể quyết toán để bàn giao tài chính sang công ty cổ phần và không thể bàn giao DN về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo quy định bởi không còn vốn nhà nước.

2. Nợ xấu là những khoản tín dụng ngân hàng do DN vay nhưng vì nhiều lý do DN không có khả năng thanh toán cho ngân hàng. Mặc dù là hiện tượng bình thường trong nền kinh tế nhưng nếu để tích tụ với quy mô lớn, nợ xấu trở thành rủi ro tiềm ẩn của quốc gia và cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 - 1998 và khủng hoảng tài chính toàn cấu vừa qua là những minh chứng điển hình. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nợ xấu trong các ngân hàng Việt Nam có thể tới 50 - 60 ngàn tỷ đồng và vì các lý do lịch sử nên đại đa số các khoản nợ xấu này lại nằm tại các ngân hàng thương mại nhà nước với khách nợ chủ yếu là các DNNN. Điều này có nghĩa là nếu không có cơ chế xử lý nợ xấu thì một mặt, hệ thống ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, xã hội mất đi nguồn lực vốn và mặt khác, các DNNN mắc nợ không thể CPH được. Đặc biệt, trong số khoảng 1.500 DNNN còn lại phải CPH từ nay đến trước 1/7/2010, sẽ có nhiều tổng công ty không CPH toàn tổng được do còn nhiều đơn vị thành viên không thể CPH bởi những tồn tại tài chính, ví dụ như các tổng công ty hoạt động trong ngành xây dựng công trình giao thông, vận tải thủy, ngành chế biến thực phẩm.

3. Nhằm hỗ trợ xử lý tồn tại tài chính để thúc đẩy chuyển đổi sở hữu và phát triển DN trong nền kinh tế, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, Khóa IX, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 109/2003/QĐ - TTg ngày 5/6/2003, thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), trực thuộc Bộ Tài chính, có nhiệm vụ mua và xử lý nợ xấu cho DN và ngân hàng. Đến nay, DATC đã mua trên 6.500 tỷ đồng nợ xấu từ các ngân hàng và triển khai xử lý tồn tại tài chính cho khoảng 100 DN mà trong đó đa số là DNNN không CPH được hoặc công ty cổ phần hoạt động yếu kém do bị CPH “ép”.

4. Có nhiều cách thức xử lý nợ xấu khác nhau nhưng xuất phát từ thực tế Việt Nam và chức năng nhiệm vụ được giao, DATC tiếp cận xử lý nợ xấu chủ yếu theo cách thức xử lý tồn tại tài chính để tái cơ cấu phục hồi hoạt động hoặc chuyển đổi sở hữu DN khách nợ. Đến nay, đã có trên 20 DN được xử lý tồn tại tài chính và tái cơ cấu thành công. Trong đó, khoảng một nửa là các DNNN không đủ điều kiện CPH đã được xử lý tài chính để chuyển đổi thành công ty cổ phần và khoảng một nửa là các DN bị CPH ép trước đây đã được tái cơ cấu phục hồi hoạt động. DATC hiện đang tiếp tục triển khai tái cơ cấu cho khoảng 50 DN khác và trong đó cũng có khoảng một nửa là các công ty nhà nước không đủ điều kiện CPH và số còn lại là các công ty cổ phần được CPH từ DNNN nhưng hoạt động kém hiệu quả, kể cả một số đơn vị tại các địa phương không bàn giao cho SCIC được do không còn vốn nhà nước. Theo đánh giá, đối tượng các DN diện này còn khá nhiều trong nhóm các DNNN thuộc đối tượng CPH ở một số tổng công ty và địa phương. Như vậy, thông qua chức năng và nhiệm vụ được giao, có thể coi DATC là một trong những chân kiềng phục vụ chương trình CPH của Chính phủ. Nếu SCIC có trách nhiệm tiếp nhận để quản lý và phát triển phần vốn nhà nước sau CPH thì DATC có thêm nhiệm vụ hỗ trợ xử lý tồn tại tài chính giúp chuyển đổi sở hữu những DNNN mất vốn không CPH được hoặc để phục hồi hoạt động những DN đã CPH nhưng hoạt động không hiệu quả và không bàn giao về SCIC được.

5. Tái cơ cấu DN là một quá trình phức tạp và tùy thể trạng từng DN mà bắt bệnh và kê đơn thuốc. Hoạt động tái cơ cấu do DATC đã và đang triển khai chủ yếu áp dụng đối với các DN kinh doanh thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán nợ, mất cân đối tài chính... Do đó, quá trình tái cơ cấu được triển khai tương đối toàn diện, bao gồm cả tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu hệ thống quản trị, điều hành và tổ chức bộ máy, tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh....Trong đó, tái cơ cấu tài chính là bước triển khai cần thiết đầu tiên thông qua các biện pháp như: miễn giảm một phần nghĩa vụ trả nợ cho DN, điều chỉnh kế hoạch trả nợ, xác định lại quy mô vốn hoạt động cần thiết và thực hiện chuyển nợ thành vốn góp và huy động vốn cổ phần từ các nhà đầu tư chiến lược và công chúng, giúp khơi thông quan hệ tín dụng với ngân hàng.

6. Hoạt động tái cơ cấu thông qua nghiệp vụ mua và xử lý nợ xấu là sự tương tác giữa DATC với các DN. Để thực hiện hoạt động tái cơ cấu, DATC đóng cả vai trò cổ đông tiềm năng với các công việc gồm:

- Bước 1: Khảo sát DN để đánh giá tiềm năng phát triển và khả năng tái cơ cấu, sau đó đàm phán với ngân hàng để ký hợp đồng mua bán nợ.

- Bước 2: Tiến hành xác định giá trị DN (nếu là DNNN) hoặc kiểm toán độc lập (nếu là công ty cổ phần) để làm rõ những tồn tại tài chính cần xử lý.

- Bước 3: Lập phương án xử lý tài chính và tái cơ cấu với các nội dung như: miễn giảm một phần trách nhiệm trả nợ để cân đối tài chính trên sổ sách, xác định quy mô vốn điều lệ để cơ cấu lại cấu trúc tài chính, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và thực hiện phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư và DATC tham gia góp vốn thông qua cơ chế chuyển nợ thành vốn góp, cơ cấu lại hệ thống quản trị và điều hành trong đó có sự tham gia của DATC trong HĐQT và ban kiểm soát, kể cả việc cử người giám sát trong giai đoạn đầu nếu là phương án khó.

- Bước 4: Bộ hay UBND tỉnh/thành phố (đối với DNNN) hoặc Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần) thực hiện phê duyệt phương án tái cơ cấu để thực hiện.

Thông qua chức năng và nhiệm vụ được giao, có thể coi DATC là một trong những chân kiềng phục vụ chương trình CPH của Chính phủ. Thực tế thành công ở các DN cho thấy giải pháp tái cơ cấu mà DATC đang áp dụng là khả thi, rất thực tiễn và có hiệu quả, phù hợp với chủ trương CPH của Nhà nước.

  7. Hoạt động của các doanh nghiệp được tái cơ cấu thông qua DATC đã có những chuyển biến tích cực ngay trong giai đoạn đầu hoạt động sau tái cơ cấu. Không những ổn định, phát triển được sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã có lợi nhuận khá cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, đóng góp thuế cho ngân sách địa phương, hoàn trả các khoản nợ tồn đọng trước đây. Có thể kể ra đây một số trường hợp cụ thể:

- Công ty cổ phần Sadico Cần Thơ (trước đây là Công ty sản xuất kinh doanh Vật liệu xây dựng Cần Thơ - DNNN sau nhiều năm không CPH được do âm vốn nhà nước thuộc UBND TP.Cần Thơ) được DATC xử lý tài chính thực hiện tái cơ cấu và chuyển đổi sở hữu tháng 6/2007 với mức vốn điều lệ là 50 tỷ đồng. Ngay 6 tháng cuối năm 2007, đơn vị này đã có lãi 9 tỷ đồng, năm 2008 lãi 14.6 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2009 lãi khoảng 14 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 335 lao động địa phương.

- Công ty cổ phần Procimex Việt Nam (trước đây là Công ty Chế biến thủy sản Đà Nẵng - DNNN thuộc UBND TP.Đà Nẵng) được tái cơ cấu chuyển đổi sở hữu tháng 1/2008 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Đơn vị này đã có lãi hơn 11 tỷ đồng ngay năm đầu tiên tái cơ cấu (năm 2008); 9 tháng đầu năm 2009 lãi khoảng 8 tỷ đồng, đồng thời đã thanh toán toàn bộ nợ gốc cho DATC, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động.

- Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (trước đây là DNNN thuộc tỉnh Sơn La) được tái cơ cấu chuyển đổi sở hữu tháng 1/2008 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Năm 2008 đạt lợi nhuận trên 14 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 330 lao động trực tiếp và 4.000 hộ trồng mía là đồng bào dân tộc thiểu số, nộp ngân sách 9 tỷ đồng.

- Công ty cổ phần Mía đường Kon Tum (trước đây là DNNN thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu tháng 7/2008 với mức vốn điều lệ 30 tỷ đồng; sau 6 tháng hoạt động đến cuối năm 2008 đã có lãi 5,4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 256 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp trồng mía vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên, nộp ngân sách nhà nước 4,1 tỷ đồng.

8. Thực tế thành công ở các DN cho thấy giải pháp tái cơ cấu mà DATC đang áp dụng là khả thi, rất thực tiễn và có hiệu quả, phù hợp với chủ trương CPH của Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian để hoàn tất chuyển đổi một DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (từ khâu mua nợ, xử lý tồn tại tài chính đến thỏa thuận phương án và thực hiện chuyển đổi sở hữu) thường kéo dài từ 1 đến 2 năm. Có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng lý do chính là:

- Mua nợ ngân hàng theo cơ chế thỏa thuận nên rất mất thời gian để đàm phán (kể cả mua nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB). Để đủ điều kiện xử lý tài chính thực hiện chuyển đổi DN, DATC phải đàm phán cùng lúc với nhiều chủ nợ khác nhau. Trong khi đó Nhà nước không có quy định buộc ngân hàng phải bán nợ để hỗ trợ chuyển đổi doanh nghiệp nên có nhiều phương án phải phụ thuộc vào việc bán nợ của một ngân hàng, kể cả khi đã hoàn tất đàm phán mua nợ với các chủ nợ khác (trong đó có cả VDB).

- Chưa có quy định cụ thể về tái cơ cấu các DNNN không đủ điều kiện CPH nên việc triển khai mang tính vận dụng các quy định đã có của Nhà nước. Thực tế, do các DN này đã mất hết vốn nhà nước nên không thể áp dụng nguyên xi các quy định của Nhà nước theo cách thông thường, vì vậy về nguyên tắc sẽ vận dụng tối đa những quy định đã có của Nhà nước nhưng được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi phương án (ví dụ, việc bán cổ phần ưu đãi cho người lao động không thể thực hiện nên giá bán cổ phần cho người lao động được nêu trong phương án là 60% theo giá đấu bình quân nhưng không thấp hơn mệnh giá). Cũng do chưa có quy định nên các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố có cách hiểu khác nhau khi phê duyệt giá trị DN và phương án xử lý tài chính để tái cơ cấu dẫn đến thời gian kéo dài ảnh hướng tới tiến độ tái cơ cấu chuyển đổi DN.

- Xử lý tồn tại tài chính là yêu cầu bắt buộc nếu muốn chuyển đổi DN bị âm vốn chủ sở hữu nên cần có quyết định phê duyệt giá trị DN làm căn cứ để thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều cơ quan chủ quản DN ngại ban hành quyết định phê duyệt giá trị DN khi phần vốn nhà nước bị âm do ngại trách nhiệm.

- Chưa có quy định về việc lựa chọn cổ đông chiến lược, việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, việc chuyển nhượng vốn từ DATC cho cổ đông chiến lược hay cổ đông khác sau khi chuyển đổi (tuy việc chọn cổ đông chiến lược được đề cập ngay trong phương án nhưng trên thực tế không phải lúc nào cũng tìm được ngay cổ đông chiến lược trong khi việc chuyển đổi DN cần được thực hiện càng sớm càng tốt để phục hồi hoạt động).

- Các cơ chế hỗ trợ tài chính từ Nhà nước, từ DATC và từ các ngân hàng là hết sức cần thiết trong giai đoạn đầu khôi phục và chuyển đổi DN, vì vậy cần có những quy định để thực hiện.

9. Từ thực tế triển khai, có thể rút ra bài học kinh nghiệm và kiến nghị chính sách sau:

- Một là, CPH là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước và rất cần đẩy mạnh chương trình này. Tuy nhiên, tránh nhầm lẫn giữa mục tiêu và cách thức thực hiện. Đổi mới để phát triển DN là mục tiêu mà trong đó CPH là một trong những cách thức chủ yếu để đạt mục tiêu này. Do đó, không vì áp lực tiến độ mà CPH bằng mọi cách, đặc biệt đối với những DN có nhiều tồn tại tài chính nhưng có tiềm năng phát triển. Để DN sau CPH hoạt động hiệu quả như mong đợi, điều quan trọng cần làm trước hết là chỉnh đốn tình hình tài chính DN trước khi CPH. Trong đó, tái cơ cấu theo cách làm của DATC là một hướng đi mới để chuyển đổi các DN loại này.

- Hai là, việc xử lý tài chính để tái cơ cấu thúc đẩy chuyển đổi sở hữu DNNN theo mô hình DATC đã làm cho thấy đây là phương thức tiếp cận hiệu quả đối với các DNNN không đủ điều kiện CPH nhưng có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho hoạt động này còn rất thiếu và yếu. Vì vậy, để có thể trở thành công cụ đắc lực của Chính phủ trong xử lý tồn tại tài chính thúc đẩy chuyển đổi sở hữu các DNNN, rất cần có những quy định pháp lý đủ mạnh để DATC hoạt động, kể cả việc ban hành một Nghị định của Chính phủ về việc tái cơ cấu DN thông qua hoạt động mua bán nợ.

Phó Tổng giám đốc Phạm Mạnh Thường - DATC (Tạp chí Tài chính số 11/2009)


Thống kê: 3.839.549
Online: 6