Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

 TS. VŨ SỸ CƯỜNG

(Tài chính) Xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận và đang được các cơ quan chức năng quyết liệt triển khai trong suốt thời gian qua. Để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp, cần nhìn nhận rõ thực trạng thị trường mua bán nợ, cũng như vai trò của các tổ chức trong công tác xử lý nợ xấu, đặc biệt là Công ty Mua bán nợ Việt Nam trong tiến trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp...

Vai trò của thị trường mua bán nợ và tái cơ cấu DN

Thị trường mua bán nợ góp phần quan trọng vào đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Về lý thuyết cũng như thực tiễn cho thấy, hoạt động mua bán nợ đang được xem là một lối thoát của các DN đang gặp phải nhiều khó khăn về tài chính trong sản xuất kinh doanh (SXKD) hiện nay. Nếu không có công ty nào tham gia vào việc mua các khoảng nợ đó thì các công ty sẽ lâm vào SXKD cầm chừng, hoặc thu hẹp SXKD, thậm chí chờ phá sản.

Bên cạnh sự trì trệ của thị trường bất động sản thì những khó khăn của kinh tế vĩ mô đã khiến nợ tồn đọng của các DN tăng lên, làm tăng tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam hiện vẫn ở mức khá cao.

Mối liên hệ vay – cho vay đã hình thành sợi dây công nợ giữa DN và ngân hàng nên khi nợ xấu xảy ra nó ngay lập tức tác động tiêu cực cho cả DN vay, ngân hàng cho vay và khi tích tụ tới quy mô lớn và mang tính hệ thống, nó tàn phá cả hệ thống tài chính ngân hàng và nền kinh tế. Có nhiều giải pháp cho xử lý nợ xấu, ở cả tầm quy mô quốc gia hay ở cấp độ đơn lẻ từng đơn vị, như xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ, cơ cấu lại nợ, chứng khoán hóa nợ... Trong đó, tái cấu trúc DN để xử lý nợ xấu là một biện pháp thường được áp dụng và mang lại nhiều điểm tích cực.

Vì vậy, phát triển thị trường mua bán nợ (nhất là nợ xấu) sẽ giúp khai thông dòng vốn, hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn. Giải quyết nợ xấu cũng tạo điều kiện cho các DN có thể tiếp cận các nguồn lực tài chính mới phục vụ cho việc tái cơ cấu hoạt động, thay đổi mô hình quản trị DN, từng bước cải thiện hiệu quả hoạt động SXKD. Sự tham gia của các nhà đầu tư mới cũng cho phép DN có thể tiếp cận các mô hình quản trị mới, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, cơ cấu sản phẩm, tạo cơ hội cho việc tham gia vào các thị trường mới thay vì các thị trường cũ...

Tổng quan về tình hình mua bán nợ xấu phục vụ tái cơ cấu DN

Số lượng các DN tham gia mua bán nợ xấu:

Hiện nay trên thị trường, mặc dù cung về nợ xấu khá lớn nhưng số lượng công ty chuyên trong hoạt động mua bán nợ xấu lại không nhiều. Số lượng các đơn vị có tính chuyên nghiệp trong mua bán nợ xấu tại Việt Nam có Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) trực thuộc Bộ Tài chính, Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) thuộc Ngân hàng Nhà nước và khoảng 20 công ty mua bán nợ tư nhân (AMC) trực thuộc các NHTM.

Đa số các công ty mua bán nợ có vốn điều lệ là vài trăm tỷ đồng. Chỉ có 2 công ty là DATC của Bộ Tài chính và AMC của Eximbank có số vốn trên 1000 tỷ. Số liệu cho thấy, quy mô các công ty mua bán nợ là khá nhỏ so với tổng số nợ xấu cần xử lý khoảng 10 tỷ USD. Với số vốn khiêm tốn, thực tế hoạt động của các công ty này vẫn chưa hiệu quả. Ngay cả công ty lớn như DATC cũng khó đáp ứng nhu cầu xử lý nợ xấu khổng lồ và cấp bách của nền kinh tế. Sau 10 năm hoạt động, DATC mới chỉ thực hiện được trên 120 vụ mua bán nợ và tài sản với giá trị tương đương khoảng trên 10.000 tỷ đồng.

Để đối phó với tình hình nợ xấu tăng mạnh, Chính phủ đã thành lập thêm VAMC để thực hiện việc mua lại nợ của các NHTM, các TCTD. VAMC được thành lập và hoạt động theo Nghị định 53/2013/ NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1459/ QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. VAMC hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên và có vốn điều lệ là 500 tỷ đồng. Tuy vốn điều lệ không lớn nhưng VAMC có cơ chế đặc biệt để mua bán nợ của các TCTD. Ngoài các công ty chuyên nghiệp trong xử lý nợ xấu thì cũng tồn tại hoạt động mua bán nợ của các DN khác nhằm tái cơ cấu lại DN qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A).

Mua bán nợ xấu phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp:

Trong quá trình thực hiện phương án tái cấu trúc DN, theo quy trình chuẩn thì cần chủ động kiểm soát chặt chẽ rủi ro, từ việc phải tự tìm hiểu thông tin về DN; đàm phán mua nợ từ các chủ nợ và đàm phán với chủ sở hữu DN để chuyển nợ thành vốn góp tại DN (đây là cách cơ cấu lại nguồn vốn và nợ của DN, làm giảm nhẹ gánh nặng trả nợ cho DN và cũng là khâu quan trọng nhất quyết định mức độ thành công của hoạt động tái cơ cấu); tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia góp vốn vào DN để tận dụng những kinh nghiệm quản trị, trình độ kỹ thuật, kênh phân phối, nhằm hỗ trợ DN sau tái cơ cấu; chuyển đổi mô hình DN thành công ty cổ phần; tái cơ cấu bộ máy quản lý điều hành và nguồn nhân lực của DN; tái cơ cấu hoạt động SXKD, cơ cấu thị trường tiêu thụ, vùng nguyên liệu; hỗ trợ hoạt động sau chuyển đổi như điều chỉnh kế hoạch trả nợ, xây dựng thể chế, xây dựng mục tiêu chiến lược để duy trì và phát triển hoạt động SXKD…

Do sự phức tạp của hoạt động mua bán nợ xấu đồng thời với việc tái cơ cấu lại DN nên hầu hết việc mua bán nợ xấu của các AMC và VAMC mới chỉ giúp cho các TCTD làm sạch bảng tổng kết tài sản chứ chưa thực sự tham gia vào quá trình tái cơ cấu DN. Hiện nay, hoạt động mua bán nợ có tái cơ cấu lại DN chủ yếu được DATC thực hiện.

Tính đến nay, DATC đã mua được gần 7.000 tỷ đồng nợ tồn đọng, trong đó hơn 90% là nợ được mua từ các NHTM Nhà nước và khoảng 92% được mua từ năm 2007 đến nay gắn với tái cơ cấu DN khách nợ. Việc mua bán nợ gắn với tái cơ cấu các DN khách nợ đã giúp đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ với các ngân hàng, qua đó giúp các NHTM xử lý nhanh lượng nợ lớn tồn đọng, nâng cao năng lực tài chính.Ngoài việc mua nợ và thanh toán bằng tiền, DATC cũng thực hiện việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần, tham gia vào hội đồng quản trị DN nhằm hỗ trợ cho hoạt động tái cơ cấu lại DN.

Hiện nay, DATC đã và đang triển khai mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu để hỗ trợ cổ phần hóa cho khoảng 20 Tổng công ty là những DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, tích cực góp phần thực hiện lộ trình cổ phần hóa DN 100% vốn Nhà nước của Chính phủ. Lũy kế từ năm 2007 đến năm 2013, DATC đã mua nợ để tái cơ cấu cho 89 DN khách nợ, gồm 62 DN đã hoàn thành và 27 DN đang triển khai thực hiện (gồm: 33 DN 100% vốn Nhà nước và 29 Công ty Cổ phần, là những DN được cổ phần hóa từ DN 100% vốn nhà nước và Nhà nước đang giữ cổ phần chi phối hoặc nhà đầu tư chiến lược, các DN này có tiềm năng, thị trường phát triển), với giá trị các khoản nợ theo sổ sách kế toán là 8.680 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 2.284 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 26,3%), đã thu hồi được 2.245,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ thu hồi là 98,3% ( bao gồm cả chuyển nợ thành vốn góp cổ phần tại 62 DN tái cơ cấu thành công là 709,3 tỷ đồng).

Hiện nay, DATC đã và đang triển khai mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu để hỗ trợ cổ phần hóa cho khoảng 20 Tổng công ty là những DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, tích cực góp phần thực hiện lộ trình cổ phần hóa DN 100% vốn Nhà nước của Chính phủ.

Với VAMC, số nợ mua về rất lớn song có rất ít các khoản nợ được xử lý qua việc tái cơ cấu DN. Tính đến hết tháng 8/2014, VAMC đã mua tổng cộng 58.937 tỷ đồng nợ xấu, với 3.536 khoản nợ với giá trị mua là 48.976 tỷ đồng. VAMC đã phát hành 12.019 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt trong 8 tháng đầu năm 2014, nâng tổng giá trị trái phiếu đặc biệt đã phát hành lên 42.966 tỷ đồng.

Đánh giá về hoạt động mua bán nợ xấu phục vụ tái cơ cấu DN:

Hoạt động mua bán nợ xấu phục vụ tái cơ cấu DN dù còn chưa thực sự phát triển song cũng đã có một số kết quả nhất định.

Một là, sự thành lập và hoạt động của DATC đã có những kết quả tốt trong việc mua, xử lý nợ xấu, giúp cho việc tái cơ cấu lại các DN. Kinh nghiệm xử lý nợ xấu thông qua tái cơ cấu DN của DATC có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý nợ xấu hiện nay.

Hai là, sự ra đời của VAMC sẽ tạo ra điều kiện ban đầu cần thiết cho sự hình thành thị trường mua bán nợ, góp phần xử lý nợ xấu của các TCTD, cải thiện tăng trưởng tín dụng phục vụ cho phát triển kinh tế.

Ba là, hệ thống các chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán nợ đã từng bước được hoàn thiện nhất là các chính sách về cổ phần hóa, chính sách thuế, chính sách về thị trường tài chính, chính sách về tín dụng.

Tuy nhiên hoạt động mua bán nợ xấu phục vụ tái cơ cấu DN vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

Thứ nhất, số lượng các công ty tham gia mua nợ chuyên nghiệp còn hạn chế, hoạt động chưa hiệu quả, đa số DN chưa tham gia vào việc tái cơ cấu DN. Hơn nữa, các ngân hàng không có nhiều động lực xử lý nợ xấu,và vì thế, không quan tâm tới tái cấu trúc DN để xử lý nợ xấu vì khi bán nợ xấu, thường họ phải chấp nhận ghi nhận lỗ trên sổ sách.

Thứ hai, năng lực tài chính và nhân sự các công ty tham gia mua bán nợ xấu còn hạn chế, thiếu chuyên gia giỏi trong việc tái cơ cấu DN. Việc thành lập VAMC chỉ được coi như biện pháp mang tính chất tạm thời của xử lý nợ vì bản thân VAMC chỉ sử dụng trái phiếu đặc biệt để mua bán nợ giúp các ngân hàng làm sạch tạm thời bảng cân đối kế toán mà không tham gia trực tiếp vào quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức này. Hơn nữa với số vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng thì rất khó chờ đợi VAMC có thể tham gia trực tiếp vào quá trình tái cấu trúc các DN gặp khó khăn.

Thứ ba, hoạt động mua, bán nợ thường phức tạp, thời gian kéo dài, chậm trễ làm hạn chế đáng kể đến hiệu quả công việc này.

Thứ tư, các công ty mua bán nợ chưa có sự hỗ trợ tích cực nhất là vấn đề tài chính cho DN khách nợ sau khi tái cơ cấu tài chính.

Thứ năm, thị trường mua bán nợ xấu hiện mới chủ yếu là thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp cho hoạt động này kém phát triển. Hơn nữa, công cụ và phương thức mua bán nợ xấu còn hạn chế làm giảm đi số giao dịch.

Thứ sáu, nhiều cơ chế tài chính cụ thể tác động trực tiếp tới huy động nguồn lực cho hoạt động tái cấu trúc DN thông qua mua bán nợ, cũng như các cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động mua bán nợ gắn với tái cấu trúc chưa được triển khai do không có quy định như vấn đề chứng khoán hóa các khoản nợ.

Tổng doanh số mua nợ 6 tháng đầu năm 2014 của DATC là 492,148 tỷ đồng, đạt 60,8% so với kế hoạch năm 2014, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2013; Tổng doanh thu 6 tháng đạt 535,333 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch năm 2014, tăng gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2013.

Giải pháp thúc đẩy hoạt động mua bán nợ tái cơ cấu DN

Nhóm giải pháp gián tiếp hỗ trợ DN khách nợ tái cấu trúc và phát triển SXKD thông qua xử lý nợ:

- TCTD chuyển nợ xấu thành vốn góp hoặc cổ phần của DN có nợ tại TCTD, đồng thời tham gia cơ cấu lại DN. Theo đó, TCTD lập bộ phận chuyên trách có trình độ quản trị về ngành nghề kinh doanh của DN khách nợ hoặc tìm kiếm đối tác có được kỹ năng này để chủ động tham gia tái cấu trúc DN trước, trong và sau khi chuyển nợ xấu thành vốn góp.

- Tích cực bán nợ xấu cho các tổ chức có kinh nghiệm, năng lực và chức năng tái cấu trúc DN như DATC. Ngân hàng Nhà nước cần ban hành chính sách và cơ chế cụ thể về quy trình NHTM Nhà nước bán cho DATC các khoản nợ xấu của DNNN để xử lý trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại DNNN.

- TCTD tích cực triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu của các DNNN đối với nội dung liên quan đến TCTD theo phương án tại các Đề án tái cấu trúc DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- VAMC nhanh chóng triển khai các giải pháp tái cấu trúc các DN khách nợ đối với những khoản nợ đã được VAMC mua về. Để khắc phục hạn chế về năng lực và kinh nghiệm của VAMC trong lĩnh vực kinh doanh mới là mua bán nợ xấu gắn với tái cấu trúc DN, cần ban hành cơ chế phối hợp giữa VAMC với DATC (là 2 tổ chức thuộc sở hữu Nhà nước) cũng như với các tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp có chức năng tái cấu trúc DN khác.

Nhóm các giải pháp đối với tổ chức xử lý nợ xấu và tái cấu trúc DN:

- Chính phủ cân nhắc thành lập “Quỹ xử lý nợ xấu thực hiện tái cơ cấu DN” và giao DATC vận hành Quỹ với mục đích tối thiểu hóa chi phí xử lý nợ xấu và tái cơ cấu DN, không nhằm mục tiêu lợi nhuận mà nhằm để xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các DN vay nợ có nợ xấu phải xử lý.

- Nâng cao quy mô vốn của DATC, VAMC và các AMC ngân hàng và yêu cầu lượng vốn pháp định lớn tương xứng với chức năng nhiệm vụ đối với các tổ chức xử lý nợ.

- Tái cơ cấu DN phải là một mục tiêu quan trọng trong xử lý nợ của cả VAMC, DATC và các AMC của NHTM; Cần có cơ chế cụ thể phối hợp cả 3 loại tổ chức này để việc mua bán nợ của các ngân hàng tại DN gắn bó chặt chẽ với tái cơ cấu DN với nội dung, quy trình, lộ trình – thời hạn cụ thể.

- Nghiên cứu ban hành các chính sách, quy định về miễn, giảm thuế mua, bán tài sản bảo đảm của TCTD để xử lý nợ xấu của TCTD.

- Hoàn thiện khung pháp lý cho hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ hoặc nợ xấu, gồm những quy định đặc thù so với thị trường vốn nói chung để tạo thuận lợi cho việc mua và bán các khoản nợ và đặc biệt là nợ xấu.

- Hoàn thiện các quy định tài chính về hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại, cổ phần hóa, xóa nợ, cơ cấu lại nợ, hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu đối với DN. Đối với các giải pháp tái cấu trúc DN nhất là trong mua bán, sáp nhập cần chú trọng tới sự tương thích về mô hình kinh doanh và tổ chức.

- Hoàn thiện mô hình hoạt động của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và DATC nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các tổ chức này trong việc xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng của DNNN, tập đoàn và tổng công ty nhà nước.

- Nâng cao trình độ chuyên môn, nguồn lực tài chính và quy mô hoạt động của DATC trong việc xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng của các DNNN thuộc diện sắp xếp lại, tái cấu trúc cũng như nâng cao vai trò của DATC trong tái cấu trúc các DN thuộc các thành phần kinh tế khác trong đó ưu tiên tái cấu trúc gắn với xử lý nợ xấu ngân hàng.

- Thực hiện các giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ (nhất là thị trường thứ cấp) với sự đa dạng về công cụ và phương thức mua bán nợ. Đồng thời, cần hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động mua bán nợ của DATC, VAMC cũng như các tổ chức mua bán nợ hiện hành khác để các chủ thể này hoạt động hiệu quả. Mặt khác, tạo điều kiện để các tổ chức xử lý nợ được mở rộng các chức năng phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ phù hợp với bản chất các tổ chức này đồng thời khuyến khích số lượng nhiều hơn các tổ chức tương tự DATC tham gia vào quá trình xử lý nợ gắn với tái cấu trúc DN để xây dựng thị trường mua bán nợ tương xứng với quy mô nợ và nợ xấu gắn với ngân hàng và DN ở Việt Nam hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

1. DATC – Báo cáo tổng kết hoạt động (nhiều năm);

2. Elsinger. H and Summer. M (2009) The economics of bank restructuring and recapitalization Hoàng Trần Hậu và cộng sự (2014);

3. “Phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam phục vụ tái cơ cấu DN” – Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ;

4. Klingebiel. D (2001) The use of asset management companies in the resolution of banking crises cross – country experiences. World Bank Policy Research;

5. Nguyễn Hữu Nghĩa (2012) Thực trạng nợ xấu của các TCTD Việt Nam hiện nay;

6. OECD (2003), Maximising Value of Non-Performing Assets, Proceedings from the Third Forum for sian Insolvency Reform;

7. Phạm Mạnh Thường và cộng sự (2014) “Hoàn thiện cơ chế tài chính trong xử lý nợ xấu ngân hàng thúc đẩy tái cấu trúc DN” – Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.

Tạp chí Tài chính


Thống kê: 3.907.006
Online: 3