Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Trao đổi với Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng Giám đốc Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) cho rằng, xã hội hóa hoạt động xử lý nợ xấu nhằm đẩy mạnh tái thiết doanh nghiệp là cần thiết hiện nay.

             PV: Thưa ông, vì sao Nhà nước nên cho phép thành lập một số công ty cổ phần với sự góp vốn của DATC nhằm xã hội hóa xử lý nợ xấu để tái thiết doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế?

- Ông Phạm Mạnh Thường: Trên thị trường hiện nay, chỉ có DATC và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là hai định chế mua nợ được pháp lý hóa. Sự thiếu vắng các nhà đầu tư tư nhân làm cho các kỹ năng và phương pháp xử lý nợ xấu mang tính hiện đại đã và đang áp dụng trên thế giới chưa có điều kiện để được phổ biến và áp dụng tại Việt Nam. Các tổ chức tín dụng muốn bán nợ xấu hay các doanh nghiệp vay nợ muốn thực hiện tái cấu trúc qua xử lý nợ xấu cũng không có nhiều sự lựa chọn. Có thể coi việc cho phép thành lập các công ty cổ phần trong đó có sự góp vốn của Nhà nước thông qua DATC hay VAMC là bước khởi đầu cần thiết cho quá trình xã hội hóa xử lý nợ xấu. Trong đó, hướng tới việc gắn xử lý nợ xấu với tái thiết doanh nghiệp khách nợ để hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế, từ đó giúp hình thành những nhà đầu tư có tổ chức trên thị trường mua bán nợ xấu.

PV: Việc góp vốn của Nhà nước vào những doanh nghiệp này nhằm mục đích gì, thưa ông?

- Ông Phạm Mạnh Thường: Xã hội hóa về bản chất chính là việc thu hút đầu tư tư nhân là một phần trách nhiệm của các tổ chức xử lý nợ do Nhà nước thành lập như DATC hay VAMC. Mua và xử lý nợ xấu là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, nhiều rủi ro nhưng ý nghĩa kinh tế xã hội rất lớn, đặc biệt trong giai đoạn suy thoái kinh tế. Khi có sự dẫn dắt, định hướng từ một tổ chức chuyên môn của Nhà nước thì thị trường sẽ dễ được hình thành và hoạt động tích cực để từ đó tiếp tục thu hút các nhà đầu tư tư nhân khác tham gia. Để có thể xã hội hóa xử lý nợ xấu, DATC và VAMC cần kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân cùng góp vốn thành lập những công ty cổ phần để tham gia vào thị trường mua bán nợ trực tiếp với các tổ chức tín dụng và sau đó tham gia thị trường mua bán nợ thứ cấp với DATC và VAMC.

Trên thế giới, những nước đã từng trải qua khủng hoảng tài chính và phải xử lý nợ xấu với quy mô lớn như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan... đã cho phép thành lập những định chế đặc biệt như SPV hay SPC (những công ty trên giấy) để liên doanh đầu tư xử lý nợ xấu. Những công ty này có một phần vốn góp của các tổ chức xử lý nợ xấu chuyên nghiệp của Nhà nước cộng với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Họ mua lại nợ xấu từ các tổ chức chuyên nghiệp để cùng đầu tư, khai thác và chia sẻ lợi ích.

PV: Những công ty cổ phần dạng này nếu được thành lập sẽ cạnh tranh hay bổ trợ cho hoạt động mua bán và xử lý nợ của DATC?

- Ông Phạm Mạnh Thường: Cả hai. Việc có thêm nhà đầu tư trên thị trường sẽ gây áp lực làm tăng tính cạnh tranh buộc DATC phải cố gắng hơn. Tuy nhiên, sự hình thành các công ty cổ phần mới cũng sẽ bổ trợ cho hoạt động của DATC tốt hơn. Trong giai đoạn kinh tế suy thoái, nhiều DN thuộc đủ các thành phần có nhu cầu tái cơ cấu tài chính, xử lý nợ xấu. Bản thân DATC không thể gánh vác được khối lượng công việc lớn như vậy. Do đó, những công ty cổ phần này sẽ giúp bao quát hoạt động xử lý nợ xấu gắn với tái thiết doanh nghiệp của khu vực tư nhân để DATC đặt trọng tâm vào xử lý nợ xấu gắn với tái thiết cho các doanh nghiệp thuộc khu vực Nhà nước.

PV: Vậy, cần phải có chế tài, khung pháp lý gì đối với những doanh nghiệp này để đạt hiệu quả xử lý nợ xấu, thưa ông?

- Ông Phạm Mạnh Thường: Trước hết, Nhà nước cần xác định rõ đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hay không có điều kiện. Nếu là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì Nhà nước cần đưa ra các điều kiện để thành lập doanh nghiệp như: Quy định về quy mô vốn tối thiểu là bao nhiêu, người quản lý doanh nghiệp cần những năng lực gì, có số năm hoạt động trong ngành Tài chính là bao nhiêu... Nếu là lĩnh vực kinh doanh không có điều kiện thì cũng có những tuyên bố cho phép các nhà đầu tư tư nhân được tự do bỏ vốn thành lập. Vấn đề này liên quan đến việc cấp giấy phép của cơ quan đăng ký kinh doanh; nếu không có quy định sẽ rất khó để nhà đầu tư nhận được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xác định rõ sau khi đã mua được nợ thì các nhà đầu tư được quyền ứng xử như thế nào đối với khoản nợ đã mua, có quyền ra sao đối với số nợ và tài sản hay nghĩa vụ bảo đảm đi kèm với khoản nợ đó nhằm có được sự ràng buộc pháp lý khi khoản nợ được sang tên đổi chủ.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có những quy định pháp lý mang tính hỗ trợ gián tiếp như có những ưu đãi tài chính đối với hoạt động đầu tư vào thị trường nợ xấu, cho phép những doanh nghiệp xử lý nợ xấu có quyền ưu tiên hơn so với những chủ nợ khác khi xử lý tài sản đảm bảo nợ, có những hỗ trợ khi thực hiện tái thiết để phục hồi doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam số 152 ngày 20/12/2013


Thống kê: 3.906.107
Online: 4