Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Nhiệm vụ xử lý các khoản nợ của DNNN là quá lớn đối với Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) - một Công ty 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Tài chính. Thêm vào đó, cách làm này được xem là “lấy tiền từ túi nọ bỏ sang túi kia” nên hiệu quả sẽ không cao. Do đó, một số ý kiến đề xuất cách xử lý đơn giản là “bán” các DN này với bảng cân đối bao gồm cả tài sản và nợ.

            Hiện nay, việc mua bán và xử lý nợ của DNNN Việt Nam chủ yếu dựa vào DATC. Công ty này đã được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ yếu là giải quyết nợ và tài sản tồn đọng của DNNN, hỗ trợ thúc đẩy quá trình sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN. Số liệu tổng kết mới nhất của Công ty này cho biết, đến cuối năm 2010, giá trị các khoản nợ thông qua hoạt động mua bán nợ và tài sản mà Công ty đã thu hồi là 1.597 tỷ đồng, bằng 85,5% số nợ đã mua: doanh thu bán tài sản đã mua là 464 tỷ đồng.

Mặc dù con số này là khá nhỏ so với quy mô nợ của DNNN hiện nay nhưng thông qua hoạt động này, DATC đã giúp các “chủ nợ” xử lý được một khối lượng lớn nợ tồn đọng, góp phần cải thiện và nâng cao năng lực tài chính để cổ phần hóa DNNN, tăng cường tính an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng trong quá trình cải cách và hội nhập. Tuy nhiên, tiến độ xử lý nợ và tài sản này được đánh giá là chậm, kéo dài. Theo ông Nguyễn Đức Tặng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tổng giá trị nợ và tài sản bị loại khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa từ các DNNN mà DATC đã tiếp nhận tính theo giá trị sổ sách là 3.033 tỉ đồng, trong đó nợ là 1.314 tỉ đồng, tài sản là 1.719 tỷ đồng. Sau khi tiếp nhận, đối với các khoản nợ, DATC mới chỉ thu hồi được 12,6 tỷ/556,2 tỷ đồng, chiếm 2,2 % số nợ có đủ hồ sơ. Số nợ không đủ hồ sơ, không có khả năng thu hồi vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Đối với tài sản, DATC đã xử lý tài sản các doanh nghiệp bàn giao, thu hồi được 363 tỷ đồng, bằng 22% giá trị trên sổ kế toán, xử lý tài sản bị mất, thiếu hụt, thu hồi được 295 triệu/12,7 tỷ đồng.

Do đó, ông Tặng đề xuất, để tăng cường xử lý các khoản nợ của DNNN, trước hết, cần xem nợ và tài sản DATC mua, bán là một loại hàng hóa kinh doanh của công ty, thuộc tài sản của doanh nghiệp. Trong khi đó, theo quy định của văn bản luật hiện hành, các khoản nợ vẫn được xem là tài sản của Nhà nước. “Quy định mua, bán xử lý các khoản nợ mua theo thỏa thuận là chưa đúng bản chất của hoạt động này”, ông Tặng nói. Đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn của DATC, ông Tặng nhận xét: “Hiện có 3/4 số vốn nhà nước cấp cho DATC chưa được sử dụng vào hoạt động kinh doanh, mà gửi vào ngân hàng là một sự lãng phí rất lớn”. Trong khi vốn đầu tư chưa được sử dụng triệt để thì các hoạt động đầu tư và cung cấp dịch vụ, tư vấn là một phần trong hoạt động kinh doanh của DATC lại chậm được triển khai. Tổng số vốn đầu tư của DATC hiện nay là 641 tỷ đồng, trong đó chuyển nợ thành vốn góp là 382 tỷ đồng, đầu tư trực tiếp bằng tiền là 259 tỷ tại 12 doanh nghiệp, trong ngành nghề kinh doanh của DATC có nghề cho thuê tài sản, tư vấn, môi giới mua bán nợ, tư vấn tài chính nhưng hiện nay DATC chưa triển khai các hoạt động này.

Tán đồng với việc xử lý nợ DNNN bằng cách xây dựng một đầu mối thực hiện việc đánh giá toàn diện và cụ thể từng khoản nợ, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá các khoản nợ này là tính rủi ro. Trên cơ sở đó, việc phân loại nợ được thực hiện và dùng làm cơ sở để xác định giá trị trong các cuộc thương lượng mua bán nợ.

Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ khác của việc xử lý nợ DNNN trong quá trình tái cơ cấu các DNNN trong quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp này, ông Thành cho tằng, không nhất thiết phải dùng tiền của nhà nước để mua lại nợ của DNNN theo kiểu “lấy tiền túi nọ bỏ sang túi kia” và đây không phải là cách làm hiệu quả nhất.

Thay vào đó, nợ của các DNNN có thể được tái cơ cấu bằng một cách đơn giản hơn rất nhiều, đó là, đem “bán” những DN mà Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ. Theo đó, DNNN có thể được bán theo hai cách và một việc không thể thiếu trong quá trình bán là định giá DN. Cách thứ nhất là bán toàn bộ thông qua sự thương lượng cụ thể với đối tác cần mua. Cách thứ hai, nếu không thế bán toàn bộ cho một đối tác, có thể bán cho nhiều đối tác thông qua việc thực hiện đấu giá trên sàn chứng khoán (IPO). Với cả hai cách này, nợ của DNNN sẽ thuộc quyền định đoạt của chủ sở hữu mới. Điều quan trọng là các khoản nợ và tài sản của DN phải được kiểm toán, kiểm định công khai, minh bạch trước khi đem bán để tránh thất thoát tài sản Nhà nước.

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam số 270 ngày 11/11/2011


Thống kê: 3.877.627
Online: 2