DATC

Ban Chấp hành Đảng bộ DATC nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Xử lý nợ và tài sản đạt trên 90.000 tỷ đồng

Đúng ngày này 18 năm trước, DATC được thành lập theo quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ và là doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt với vốn điều lệ ban đầu 2.000 tỉ đồng, 100% thuộc sở hữu nhà nước do Bộ Tài chính làm đại diện. Sự ra đời của DATC, tại thời điểm đó được coi là một trong những giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp sau chuyển đổi.

Từ khi thành lập đến nay, DATC tập trung thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài chính giao như: hỗ trợ các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại lành mạnh hóa tài chính, góp phần giải quyết những tồn tại về tài chính nhằm thúc đẩy quá trình sắp xếp, cổ phần hóa cũng như giao, bán, khoán và cho thuê doanh nghiệp thông qua việc xử lý tài sản và các khoản nợ tồn đọng trước khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp. Đồng thời xử lý các khoản nợ và tài sản được loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp.

Trải qua 18 năm xây dựng và trưởng thành, cho tới nay DATC đã xử lý nợ và tài sản đạt trên 90.000 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ khoảng 3.000 doanh nghiệp xử lý được công nợ và tài sản tồn đọng cũng như tái cấu trúc phục hồi kinh doanh. Trong số này, có 185 doanh nghiệp nhà nước thuộc các bộ ngành, địa phương, trải dài từ Sơn La, đến Cà Mau. Ở nhiều doanh nghiệp, như Tổng công ty Dâu Tằm tơ hay Tổng công ty Xây dựng đường thủy, DATC đã tạo ra bước ngoặt to lớn khi hỗ trợ thực hiện cổ phần hóa thành công dù trước đó, Chính phủ đã có nhiều năm chỉ đạo xử lý nhưng chưa thực hiện được.

Đặc biệt, DATC đã được Chính phủ tin tưởng giao thực hiện xử lý nợ để hỗ trợ tái cơ cấu nhiều Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước, qua đó giúp phục hồi các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, giúp duy trì ổn định cơ cấu kinh tế vùng, lãnh thổ từ hoạt động tái cơ cấu một số ngành kinh tế như đóng tàu, hàng hải, giao thông, xây dựng, mía đường, dâu tằm tơ…

Những doanh nghiệp DATC đã hỗ trợ tái cơ cấu trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, với những khó khăn cũng rất khác nhau như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), các Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1,4,5,6,8 (Cienco 1,4,5,6,8), Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng, Công ty Cổ phần Mía đường Kon Tum, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, Công ty Haprocimex, Công ty thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty Cổ phần tập đoàn gang thép Hàn Việt,…

Trong đó, việc tham gia xử lý nợ gắn với tái cơ cấu tại Vinalines là một trong những trường hợp điển hình. Nhờ sự vào cuộc của DATC, vượt qua nhiều những khó khăn chồng chất, Vinalines và các đơn vị thành viên đã được xử lý trên 10.000 tỷ đồng công nợ tồn đọng, cơ bản thoát khỏi nguy cơ phá sản, từ đó chuyển mình để đủ điều kiện cổ phần hóa, góp phần duy trì kinh doanh vận tải biển và phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng.

Với các nghiệp vụ của mình, DATC không chỉ giúp các doanh nghiệp gỡ bỏ được gánh nặng tài chính từ các khoản nợ và tài sản đã đầu tư không hiệu quả mà còn tạo nguồn thu hàng ngàn tỷ đồng cho Nhà nước thông qua việc thực hiện hàng trăm phương án mua bán, xử lý nợ theo cơ chế thị trường và các nhiệm vụ Chính phủ giao.

"Phao cứu sinh" đưa doanh nghiệp "vượt bão"

Rất nhiều doanh nghiệp được DATC mua nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu thông qua chuyển nợ thành vốn góp đã phát triển tốt, kinh doanh có hiệu quả, các chỉ tiêu doanh thu, cổ tức, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động năm sau cao hơn năm trước như Công ty cổ phần đường Kon Tum, Công ty cổ phần Sadico Cần Thơ, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, Công ty Cổ phần Vitaly,... Các doanh nghiệp làm ăn có lãi và đã thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ hàng chục phần trăm/năm, hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, thuế với Nhà nước, trở thành các mã cổ phiếu được niêm yết giao dịch trên sàn HNX, HOSE.

Một trong những thành công đáng nhớ là phương án xử lý nợ gắn tái cơ cấu đầu tiên tại Công ty CP Sadico Cần Thơ. Từ một doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, đứng trên bờ vực phá sản, Sadico Cần Thơ được DATC xử lý nợ, chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng, kinh doanh luôn có hiệu quả, lên sàn giao dịch Hà Nội với mã chứng khoán SDG. Đây là cơ sở tạo động lực vào sự thành công để DATC tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phương án mua bán, xử lý nợ gắn tái cơ cấu sau này.

Với bề dày kinh nghiệm, tháng 4/2020, DATC được Chính phủ chỉ định nghiên cứu, đánh giá một số dự án khó khăn ngành công thương để tìm kiếm nhà đầu tư, hợp tác xây dựng phương án xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu thiệt hại tối đa cho Nhà nước.

Có thể nói, DATC là một trong những chiếc phao cứu sinh góp phần xử lý tận gốc nợ xấu cho doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp không chỉ được lành mạnh hóa về mặt tài chính mà còn phục hồi nhanh chóng hoạt động kinh doanh, tạo nên hiệu ứng xã hội to lớn.

Trong hành trình 18 năm với sứ mệnh là công cụ của Chính phủ, DATC đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo mục tiêu thành lập và được Đảng, Nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Với vị thế pháp lý mới sau khi Nghị định 129/2020/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC được ban hành, DATC tiếp tục vai trò đầu tàu trong việc tham gia hỗ trợ công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, cùng công tác xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp trong nền kinh tế. Từ đó tiếp tục mở ra một giai đoạn mới với tầm nhìn, định hướng phát triển phù hợp bối cảnh và yêu cầu của Chính phủ đối với DATC.

Theo đó, trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, DATC một mặt tiếp tục là công cụ của Chính phủ trong việc hỗ trợ sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp; mặt khác, DATC từng bước mở rộng lĩnh vực hoạt động, phạm vi, đối tượng phục vụ theo hướng hình thành Tập đoàn tài chính hoạt động đa ngành và đa dạng hóa hình thức sở hữu.

Và dù với quy mô, mô hình hoạt động nào thì DATC vẫn luôn là công cụ của Chính phủ để đồng hành và là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp trong quá trình xử lý nợ và tài sản, tái cấu trúc hướng đến phát triển bền vững.